Site icon DECA88

Diễn đàn 365: Những “cộng sự” bốn chân

Diễn đàn 365: Những "cộng sự" bốn chân - Ảnh 1.

Tuần qua, sự chú ý của dư luận – đặc biệt là những người yêu động vật – dồn khá nhiều vào vụ ngược đãi chú chó giống Alaska tại quảng trường Lâm Viên ở thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Vắn tắt, chú chó này thường được đưa ra quảng trường để chụp ảnh với khách du lịch và bị người quản lý dùng gậy đánh đập dã man qua một số thước phim ghi lại. Để rồi, sau hàng loạt bất bình được chia sẻ, các cơ quan chức năng trước mắt đã xác minh và có những biện pháp răn đe, giáo dục, yêu cầu không tái phạm đối với người hành hạ vật nuôi.

Theo thống kê, chú chó giống Alaska bị đánh đập chỉ là một trong khoảng hơn 30 chú chó thuộc nhiều chủng loại, thuộc quyền sở hữu của một số chủ kinh doanh dịch vụ tại khu vực quảng tường Lâm Viên. Mỗi ngày, những chú chó này làm công việc “mẫu ảnh” cho du khách chụp hình chung, với mức phí khoảng từ

30.000 đồng đến 50.000 đồng cho mỗi lượt thuê chụp.

Chủ yếu đến từ nước ngoài với bộ lông dày, những chú chó to lớn này thường gây ấn tượng khá mạnh với nhu cầu “sống ảo” của những du khách ham chụp ảnh. Bởi vậy, cũng không có gì lạ khi dù sớm hay tối, ngày mát trong hay nắng gắt, chúng vẫn phải đứng yên ở Quảng trường Lâm Viên để chờ du khách chụp hình.

Dịch vụ này xuất hiện từ vài năm nay và ngày càng nở rộ. Tuy nhiên, sau một thời gian, cũng đã có một số ý kiến không đồng thuận từ du khách về “điều kiện làm việc” chưa tốt của các chú chó, cũng như một số chuyện không hay từng phát sinh.

Ngỡ tưởng chuyện cứ thế trôi qua. Để rồi, cho đến khi các chú chó này bị ngược đãi, đánh đập công khai ở nơi công cộng, trước mặt nhiều du khách – trong đó có không ít em nhỏ – nhiều người đã nhận ra: Đây là giọt nước tràn ly và gắn với những cảnh báo về việc cần kiểm soát chặt chẽ hơn nạn hành hạ động vật nơi công cộng.

Hiện nay, những quy định xử phạt người ngược đãi động vật ở Việt Nam tuy có nhưng không phải ai cũng nắm được. Và thực tế, những vụ hành hạ động vật nơi công cộng thường dễ được chú ý và xử lý trong trường hợp ngược đãi vật nuôi của người khác. Còn trong trường hợp như vừa xảy ra ở Đà Lạt, mọi chuyện rõ ràng khó can thiệp hơn, khi nhiều người giữ tâm lý “thú tôi nuôi, tôi có quyền”.

Và trong đời sống, cũng không chỉ có các chú chó được nuôi để làm mẫu chụp ảnh. Ngày nay có nhiều hình thức khác như cà phê thú cưng, rồi các dịch vụ cho cưỡi ngựa, cưỡi đà điểu… cũng có thể thấy ở các khu du lịch.

Rõ ràng, bên cạnh tuân thủ các quy định của pháp luật, người nuôi động vật với mục đích kinh doanh cũng cần có ý thức kiểm soát các hành động và thái độ của mình với vật nuôi – khi mà xã hội ngày càng nâng cao nhận thức và chú ý tới điều này.

Ở góc độ khác, trong thời buổi công nghệ như hiện nay, việc một hình ảnh xấu lan truyền trên mạng, rất dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến bức tranh du lịch chung của thành phố. Các mô hình nuôi thú cưng với mục đích kinh doanh chụp ảnh có thể lúc đầu chỉ hoạt động tự phát. Nhưng qua thời gian với sự phát triển nhanh, có quy mô, mọi thứ cần thiết phải được tổ chức bài bản hơn, an toàn hơn.

Rõ ràng, người chủ nuôi phải thay đổi tư duy kinh doanh. Thay vì xem vật nuôi chỉ đơn giả là “công cụ kiếm tiền” thì nên xem là “cộng sự”. Có như vậy, họ mới không bị dư luận phản ứng và xây dựng được hình ảnh tốt đẹp trong mắt du khách gần xa.

Exit mobile version