Site icon DECA88

Quy định cụ thể về bán hàng livestream, chống thất thu thuế

Quy định cụ thể về bán hàng livestream, chống thất thu thuế - Ảnh 1.

So với hình thức bán hàng trực tiếp và thương mại điện tử, livestream (phát video trực tiếp) bán hàng mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả người bán và người mua. 

Hình thức kinh doanh này cũng đem lại doanh thu bán hàng trên Facebook và YouTube rất lớn nhưng đang bị bỏ ngỏ về thuế. Do đó cần có quy định cụ thể về bán hàng livestream để chống thất thu thuế cho nhà nước.

Bà Trần Thị Phương Lan, nguyên Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về điều kiện phải đăng ký đối với người livestream bán hàng. Bất kỳ người nào có nhu cầu bán hàng đều có thể phát livestream trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo…

Không những vậy, các chủ thể bán hàng theo phương thức livestream cũng chưa phải xin giấy phép kinh doanh như với bán hàng truyền thống. Điều này, một mặt giúp gia tăng quy mô kinh doanh, mở rộng thị trường, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng mặt khác tạo ra những rào cản không hề nhỏ trong việc quản lý phương thức bán hàng livestream.

Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng cần có sự thay đổi kịp thời, đưa ra những quy định riêng về việc đăng ký và cấp giấy phép đối với người bán hàng qua livestream, giúp hệ thống những người bán hàng, không để hoạt động này diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng tự bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi mua hàng qua livestream.

Trên thực tế, hơn 1 năm trở lại đây, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, livestream (phát video trực tiếp) bán hàng được xem là giải pháp kinh doanh hiệu quả. Theo “Báo cáo shoppertainment 2024: Tương lai của tiêu dùng và thương mại châu Á – Thái Bình Dương” do TikTok phát hành mới đây, số người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video tăng gấp 1,9 lần so với công cụ tìm kiếm truyền thống. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong 1-2 năm tới, khi 93% người tiêu dùng mong muốn tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm – giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số.

Theo con số thống kê của Bộ Tài chính, kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 là 83.000 tỷ đồng; năm 2023 là 97.000 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm, số thuế đã nộp hơn 50.000 tỷ đồng. Do vậy, để chống thất thu thuế trong kinh doanh thương mại điện tử các cơ quan chức năng cần sớm ban hành chế tài quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội.

Các chuyên gia cho rằng, khi áp dụng hóa đơn điện tử với bán hàng qua hình thức livestream, khó khăn lớn nhất đối với cơ quan thuế là kiểm soát số lượng hàng hóa và doanh thu thực tế. Bởi việc xác định hàng hóa thực sự đã chuyển giao từ người bán sang người mua, ghi nhận doanh thu bán hàng và phát hành hóa đơn còn phụ thuộc vào thỏa thuận, điều kiện bán hàng của từng tổ chức, cá nhân. Phần lớn đối tượng lựa chọn hình thức bán hàng qua livestream là cá nhân và áp dụng hình thức thanh toán tiền mặt, dẫn đến việc khai báo doanh thu bán hàng phụ thuộc vào tính tự nguyện, tự giác của người nộp thuế.

Bà Nguyễn Diệu Linh, Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác phát triển (Học viện Ngân hàng) cho rằng, cần có những quy định cụ thể về kết nối, chia sẻ dữ liệu của hệ thống ngân hàng, cũng như các ngành khác với cơ quan thuế, để giúp cơ quan thuế kiểm soát được doanh thu bán hàng từ hoạt động thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần thu thập dữ liệu bán hàng để phân tích, phân loại, từ đó có kế hoạch giám sát phù hợp với thực tế.

Đồng quan điểm này, ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế – tài chính (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, áp dụng hóa đơn điện tử với bán hàng qua hình thức livestream có thể được hiểu là yêu cầu người bán hàng livestream xuất hóa đơn điện tử mỗi lần giao dịch thành công. Trên thực tế, có những người bán hàng livestream 1-3 giờ liền, hoặc từ sáng đến chiều và chốt đơn rất nhiều.

Việc chốt đơn liên tục khi livestream cũng là “chiêu” để họ hút khách hàng vào xem và mua hàng. Còn trên thực tế, số đơn giao dịch thành công không chắc được nhiều như vậy. Tuy nhiên, việc áp dụng hóa đơn điện tử với bán hàng livestream là cần thiết và triển khai càng sớm càng tốt, bởi qua đó giảm thiểu sai sót, rủi ro; cơ quan thuế nắm được doanh thu của người bán hàng để thu đúng, thu đủ thuế cho Nhà nước.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử với livestream không dễ dàng, bởi việc bán hàng được thực hiện hầu hết trên các nền tảng mạng xã hội của nước ngoài. Vì vậy, trước hết cần quản lý các đối tượng bán hàng livestream, xác định địa chỉ người bán hàng, có đăng ký kinh doanh hay không, nắm bắt doanh thu qua ngân hàng và bên vận chuyển…

Về phía cơ quan thuế, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố tiếp tục khẩn trương rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết, cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm… Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tuyến, livestream bán hàng hóa, dịch vụ… cũng nằm trong đối tượng phải rà soát, kiểm tra.

Exit mobile version