Site icon DECA88

Thiên tài thiết kế Adrian Newey gia nhập Aston Martin: Cuộc phiêu lưu mới của phù thủy F1

Thiên tài thiết kế Adrian Newey gia nhập Aston Martin: Cuộc phiêu lưu mới của phù thủy F1 - Ảnh 1.

Mùa giải F1 năm nay chưa kết thúc, nhưng một thương vụ bom tấn đã nổ: Thiên tài thiết kế Adrian Newey sẽ chia tay Red Bull để gia nhập Aston Martin.

Newey, kỹ sư trưởng vĩ đại nhất trong lịch sử F1 khi từng thiết kế 14 chiếc xe vô địch F1 trong 32 năm qua, sẽ chính thức gia nhập đội đua Aston Martin vào tháng 3/2025 chấm dứt 19 năm gắn bó với Red Bull. Đây được xem là thương vụ lớn nhất trong làng đua F1 ở mùa giải, thậm chí còn đáng quan tâm hơn cả việc Lewis Hamilton sẽ chuyển từ Mercedes sang Ferrari, bởi thực tế thành công trong F1 có dấu ấn từ chiếc xe hơn là người lái.

Aston Martin chỉ đang xếp thứ 5 ở bảng xếp hạng đội đua mùa giải này, nhưng với sự bổ sung của Newey vào đội ngũ kỹ thuật, họ có thể trở thành ứng cử viên vô địch, nhất là vào mùa giải 2026, khi F1 sẽ áp dụng những điều luật mới. Nói cách khác, Newey chính là mảnh ghép quan trọng để đội đua có trụ sở ở Silverstone, Anh quốc này chinh phục vinh quang.

Vì sao Newey đặc biệt?

Tháng 5 vừa rồi, khi Red Bull tuyên bố rằng Newey sẽ ra đi vào đầu năm 2025, tất cả các đội đua F1 hàng đầu đều mong muốn sẽ chiêu mộ được ông. Nhưng bất chấp sự quan tâm của McLaren và Mercedes, Ferrari và Aston Martin mới là những ứng viên nặng ký. Và cuối cùng, Newey đã chọn Aston Martin.

Newey yêu thích thiết kế xe đua từ khi còn nhỏ và luôn có thói quen lên kế hoạch tất cả các thiết kế xe F1 của mình trên bảng vẽ. Sự tiến bộ của công nghệ khiến hầu hết các kỹ sư sử dụng hệ thống CAD (thiết kế hỗ trợ máy tính), nhưng Newey vẫn lấy bút chì ra và vẽ. Khả năng của ông trong việc hình dung luồng không khí được tạo ra bởi một chiếc xe F1 vô cùng phức tạp và cách tối đa hóa lực bám đường là điều mà không trường lớp nào có thể dạy được.

“Adrian đã sống trong ma trận”, Giám đốc Red Bull Christian Horner nói về Newey. “Ông ấy đã là người chỉ huy của dàn nhạc kỹ thuật suốt những năm qua. Ông ấy vẫn rất chủ động, và vẫn luôn giữ bảng vẽ ấy bên mình. Tôi nghĩ đó có lẽ là tấm bảng vẽ duy nhất trong F1”.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà kể từ khi Newey tuyên bố rời Red Bull hồi đầu tháng 5, các đội đua đối thủ dần thu hẹp khoảng cách với họ. Đội đua nước Áo chỉ vô địch 3/11 chặng kể từ ngày đó. Dù vẫn đang tạm dẫn đầu ở cả hai bảng xếp hạng, nhưng dường như con đường phát triển của Red Bull có vấn đề, và một số người đã đặt câu hỏi liệu sự vắng mặt của Newey có phải là một yếu tố quan trọng. Về chuyện này, Horner lý giải sau Grand Prix Ý rằng: “Những vấn đề này đã tồn tại từ trước. Đóng góp của một người không thể làm thay đổi một cách đột ngột như vậy. Adrian đã làm việc cho đến thứ Sáu ở Miami (5/5), vì vậy, không có cách nào nó có thể ảnh hưởng một cách nhanh chóng như vậy. F1 là một môn thể thao đồng đội, và toàn đội sẽ tìm ra giải pháp”.

Thành công với các thay đổi quy định

Newey đã thiết kế những chiếc xe vô địch từ năm 1992 và tạo ra một số động cơ chiến thắng nhiều nhất trong lịch sử F1 khi làm việc tại Williams, McLaren và Red Bull. Và điểm mạnh lớn nhất của ông là khả năng thích ứng với các thay đổi về quy định. Đó là lý do mà Aston Martin sẽ rất háo hức, với các quy tắc mới sắp áp dụng vào năm 2026.

Năm 1998, F1 chuyển sang các chiếc xe hẹp hơn và McLaren giành cú đúp vô địch cá nhân và đội đua. Huyền thoại Mika Hakkinen sau đó tiếp tục vô địch thế giới năm 1999. Năm 2009, Red Bull bất ngờ dẫn đầu mùa giải nhờ Newey hiểu rõ về một thay đổi lớn trong quy định. Nếu không có thiết kế ống xả kép tài ba của Brawn, Red Bull có lẽ đã trở thành nhà vô địch trong năm đó. Nhưng Sebastian Vettel chỉ phải đợi một mùa trước khi giành 4 chức vô địch thế giới liên tiếp (2010-13), với Red Bull cũng vô địch đội đua trong những năm đó. Gần đây nhất, Red Bull lại trở nên vô đối, với Max Verstappen trải qua một thời kỳ thống trị chưa từng có. Tay lái người Hà Lan đã vô địch năm 2022 với 15 chức vô địch chặng, vô địch năm 2023 với 19 chặng, trong đó có 10 chặng liên tiếp.

Trong những năm khác, khi có những thay đổi quy tắc lớn, Newey vẫn thiết kế những chiếc xe tốt để chiến thắng. Không có gì đảm bảo rằng có Newey có nghĩa là một đội đua sẽ vô địch, nhưng lịch sử cho thấy cơ hội cạnh tranh ở phía trước rất cao.

Tập hợp một đội ngũ mơ ước

Newey không phải là bản hợp đồng kỹ thuật lớn đầu tiên mà Lawrence Stroll đã ký kết sau khi mua lại Racing Point và đổi tên thành Aston Martin vào năm 2021. Trước đó, Stroll đã vời giám đốc kỹ thuật Dan Fallows, người đã đứng đầu nhóm khí động học ở Red Bull trong giai đoạn 2010-13, và giờ, Fallows sẽ càng thoải mái khi tái ngộ đồng nghiệp cũ Newey.

Aston Martin cũng đã ký hợp đồng với Enrico Cardile từ Ferrari cho năm 2025 với tư cách là giám đốc kỹ thuật chính của họ. Cardile đã đứng đầu bộ phận khí động học tại Ferrari và sẽ mang thêm chuyên môn cho nhà máy của họ ở Silverstone. Một bổ nhiệm đáng chú ý khác gần đây là Andy Cowell, cựu chuyên gia động cơ của Mercedes. Ông sẽ thay thế Martin Whitmarsh sắp ra đi với tư cách là giám đốc điều hành. Cowell đã đóng vai trò quan trọng trong thành công của Mercedes khi thời kỳ turbo-hybrid F1 bắt đầu vào năm 2014, góp phần thiết kế động cơ cho phép Silver Arrows giành 8 chức vô địch đội đua liên tiếp.

Sẽ không có ý nghĩa gì khi xây dựng một chiếc xe tuyệt vời mà không có một tay lái xuất sắc để khai thác tốt nhất từ nó. Aston Martin đã có một tay lái hàng đầu kể từ khi ký kết với Fernando Alonso vào đầu năm 2023. Lão tướng người Tây Ban Nha đã gia hạn 2 năm hồi tháng Tư, và sẽ ở lại đến cuối mùa giải 2026 để hoàn tất ước mơ lần thứ 3 vô địch thế giới (trước đó là vào các năm 2005 và 2006). Mùa trước, Alonso giành 8 podium và xếp thứ 4 ở bảng xếp hạng tay đua. Tất nhiên, tuổi tác là một bất lợi của Alonso, nhưng kinh nghiệm là thế mạnh của anh. Và nếu Aston Martin dưới bàn tay một phù thủy F1 như Adrian Newey thực sự sản xuất một chiếc xe cạnh tranh chức vô địch vào năm 2026, sẽ không nghi ngờ gì rằng một số tay đua hàng đầu thế giới khác sẽ cập bến Silverstone.

Từ năm 2026, Aston Martin sẽ là đội duy nhất sử dụng động cơ do Honda cung cấp. Hãng sản xuất xe Nhật Bản đã tái xuất trong ác mộng khi hợp tác với McLaren năm 2015, khi thường xuyên gặp vấn đề về độ tin cậy và hiệu suất, nhưng sau đó họ đã lấy lại phong độ đỉnh cao khi hợp tác cùng Red Bull.

Thời gian sẽ trả lời Aston Martin có thể trở thành thế lực mới hay không, nhưng rõ ràng, sự kỳ vọng là rất lớn.

Những “chiến mã” vô địch của Adrian Newey

1993: Williams (tay lái và đội đua)

1994: Williams (đội đua)

1996: Williams (tay lái và đội đua)

1997: Williams (tay lái và đội đua)

1998: McLaren (tay lái và đội đua)

1999: McLaren (tay lái)

2010: Red Bull (tay lái và đội đua)

2011: Red Bull (tay lái và đội đua)

2012: Red Bull (tay lái và đội đua)

2013: Red Bull (tay lái và đội đua)

2021: Red Bull (tay lái)

2022: Red Bull (tay lái và đội đua)

2023: Red Bull (tay lái và đội đua)

Exit mobile version